Tán sỏi ngoài cơ thể
31/10/2022
Nguyễn Thu Thuỷ
360
- Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?
- Triệu chứng thường gặp ở người bệnh sỏi tiết niệu
- Những trường hợp nào được chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể
- Không nên sử dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể trong trường hợp nào?
- Ưu điểm của tán sỏi ngoài cơ thể
- Chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi ngoài cơ thể
- Bệnh nhân sau tán sỏi cần lưu ý điều gì?
- Tán sỏi ngoài cơ thể để lại biến chứng không?
- Tán sỏi ngoài cơ thể có nguy hiểm không?
- Tán sỏi ngoài cơ thể có đau không?
- Làm sao để phòng ngừa bệnh sỏi tiết niệu?
Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị sỏi tiết niệu. Trong đó, tán sỏi ngoài cơ thể được xem là phương pháp mang lại hiệu quả điều trị cao, ít xâm lấn.
Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?
Tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL) kỹ thuật sử dụng sóng xung kích hội tụ vào viên sỏi để phá vỡ sỏi, bệnh nhân không hề bị bất kỳ một can thiệp nào khác vào cơ thể. Sau khoảng thời gian 7-15 ngày, các mảnh sỏi vụn sẽ tự thoát ra qua niệu quản, xuống bàng quang và theo đường tiểu tiện ra ngoài. Nguyên lý chính của phương pháp này là dùng sóng chấn động từ ngoài cơ thể tập trung vào một tiêu điểm với một áp lực cao làm vỡ hoặc làm vụn sỏi thành bụi nhỏ, sau đó bài tiết ra ngoài.
Tán sỏi ngoài cơ thể thường được chỉ định cho các trường hợp sỏi thận nhỏ hơn 2 cm và sỏi niệu quản (trừ sỏi niệu quản khung chậu) mà không có dị dạng tiết niệu phối hợp. Đường tiết niệu phải thông suốt trên phim chụp có tiêm thuốc cản quang. Những trường hợp có bệnh lý về tim mạch, bệnh chảy máu, vẹo cột sống... sẽ được bác sĩ chuyên khoa cân nhắc cụ thể.

Triệu chứng thường gặp ở người bệnh sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu có thể diễn tiến dữ dội hoặc âm thầm. Một số người bệnh phát hiện sỏi tình cờ nhờ chụp phim, siêu âm ổ bụng trong quá trình khám sức khỏe. Số khác phát hiện bệnh qua các biểu hiện lâm sàng. Triệu chứng của sỏi đường tiết niệu khá phong phú, hay gặp nhất là: đau lưng, hông bên có sỏi, tiểu buốt, có máu hoặc sốt nếu nhiễm trùng do sỏi.
Những trường hợp nào được chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể
Khi nào thì cần tán sỏi? Trên thực thế, sỏi thận có nhiều kích cỡ, viên sỏi có cản quang thấp thì chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể. Người bệnh chỉ được bác sĩ chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể khi nằm trong các trường hợp sau:
• Sỏi thận có kích thước <2,5cm, thận ứ nước độ 1,2
• Sỏi thận tái phát hoặc sót sỏi sau phẫu thuật
• Sỏi niệu quản 1/3 trên, kích thước <1,5cm
Không nên sử dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể trong trường hợp nào?
- Nhiễm trùng niệu
- Rối loạn đông máu
- Tắc nghẽn niệu quản phía dưới sỏi cần tán
- Bệnh lý cong vẹo cột sống, béo phì, thận lạc chỗ
- Bệnh lý nội khoa nặng, phình động mạch chủ
Ưu điểm của tán sỏi ngoài cơ thể
Tán sỏi ngoài cơ thể có đau không? Đây là lo lắng của rất nhiều bệnh nhân khi được chỉ định sử dụng phương pháp này trong điều trị sỏi tiết niệu. Nhìn chung, tán sỏi thận ngoài cơ thể có ưu điểm ít gây ảnh hưởng đến thận, chức năng hoạt động của thận hơn so với các phương pháp khác. Đây là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng có độ an toàn cao và không xâm lấn.
- Giảm thời gian nằm viện và chi phí điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân chỉ cần nằm viện từ 1 - 2 ngày là có thể xuất viện.
- Phương pháp này không gây đau đớn như mổ lấy sỏi thận.
- Phương pháp này không cần phẫu thuật nên không phải chăm sóc hay lo lắng bị chảy máu hoặc bị nhiễm trùng vết mổ hay để lại sẹo mổ xấu.
Chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi ngoài cơ thể
Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, việc chăm sóc sau phẫu thuật, thủ thuật được triển khai theo quy trình toàn diện (tư vấn chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, luyện tập sức khỏe, tiện ích phòng bệnh,…) nhằm mục đích nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho người bệnh, nâng cao chất lượng điều trị, giảm thiểu tối đa thời gian nằm viện.
- Bệnh nhân sau tán sỏi ngoài cơ thể được chuyển về khoa nội trú. Tùy thuộc vào tình hình sức khỏe, thể trạng của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh, giảm đau.
- Thông thường bệnh nhân thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể được xuất viện sau 2 ngày điều trị. Sau xuất viện từ 3 – tuần bác sĩ sẽ hẹn tái khám để chụp X-quang đánh giá lại hiệu quả tán sỏi. Trong thời gian này, nếu có bất kì biểu hiện bất thường nào, người bệnh cần liên hệ ngay cho bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra kịp thời.
Bệnh nhân sau tán sỏi cần lưu ý điều gì?
Sau khi thực hiện tán sỏi tôi có cần phải kiêng cử gì không? Có lưu ý nào đặc biệt cần nhớ đối với bệnh nhân sau thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể?
Người bệnh sau tán sỏi ngoài cơ thể thường bị đau nhẹ vùng lưng, nước tiểu có thể có ít máu nhưng người bệnh không cần quá lo lắng và không cần phải dùng đến thuốc. Triệu chứng này thường sẽ nhanh chóng qua đi.
- Người bệnh nên uống 2-3 lít nước mỗi ngày để giúp việc đào thải sỏi ra ngoài cơ thể qua đường tiểu xảy ra nhanh hơn.
- Người bệnh nên uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
- Tái khám tại bệnh viện sau từ 3-4 tuần để đánh giá hiệu quả sau tán sỏi.
Tán sỏi ngoài cơ thể để lại biến chứng không?
Hiện nay, tán sỏi ngoài cơ thể là một phương pháp điều trị ngoại khoa ít xâm lấn điều trị sỏi tiết niệu. Triệu chứng thường gặp, phổ biến sau tán sỏi là đái máu (tuy nhiên bệnh nhân không cần quá lo lắng vì triệu chứng này sẽ chấm dứt nhanh chóng). Trong trường hợp sỏi đi xuống niệu quản nhiều, gây tắc cấp thì nội soi tán sỏi ngược dòng.
Tán sỏi ngoài cơ thể có nguy hiểm không?
Tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng sóng xung kích hội tụ vào viên sỏi để phá vỡ cấu trúc của nó mà không có bất kỳ sự can thiệp nào đến cơ thể. Bệnh nhân khi thực hiện phương pháp này được tiền mê giúp giảm đau, khá an toàn và giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra.
Tán sỏi ngoài cơ thể có đau không?
Tán sỏi ngoài cơ thể có đau không là nỗi lo của khá nhiều người bệnh khi được bác sĩ chỉ định thực hiện phương pháp này trong điều trị sỏi tiết niệu. Bằng cách sử dụng sóng xung kích tác động vào các viên sỏi thay vì phương pháp mổ lấy sỏi thông thường, bệnh nhân khi sử dụng phương pháp này không cảm thấy đau đớn nhờ được tiền mê, giảm đau, theo dõi sát, thời gian thực hiện thủ thuật nhanh chóng và đặc biệt không để lại sẹo.
Làm sao để phòng ngừa bệnh sỏi tiết niệu?
Mặc dù chưa có nghiên cứu chứng minh rõ ràng, nhưng các chuyên gia cũng đã đúc kết được một số nguy cơ có thể gây nên sỏi đường tiết niệu như: uống quá ít nước, chế độ ăn uống mất cân bằng, công việc căng thẳng, ít vận động,…
Do vậy, để phòng ngừa bệnh sỏi đường tiết niệu, bạn cần uống đủ nước, đặc biệt trong thời tiết nóng bức, môi trường làm việc với nhiệt độ cao; xây dựng chế độ ăn uống hợp lý (tránh thức ăn quá mặn, quá nhiều canxi,…)
Đối với bệnh nhân đã từng phẫu thuật, tán sỏi cần đặc biệt lưu ý chế độ ăn, uống đầy đủ nước (2 lít/ ngày); không nên nhịn tiểu,…để tránh trường hợp bệnh tái phát.
Trên đây là bài viết Tán sỏi ngoài cơ thể, hy vọng những thông tin trên sẽ có hữu ích đối với bạn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết


Tin liên quan
![[Tiki] Ở Nhà Tiki Lo Xả Kho Đến 90%](https://timgiatot.vn/img/w381/h200/fill!photos/tiki-o-nha-tiki-lo-giam-50.jpg)
[Tiki] Ở Nhà Tiki Lo Xả Kho Đến 90%
![[Shopee] You X Biti’s Hunter X Shopee - Săn Sale Or Săn Care](https://timgiatot.vn/img/w381/h200/fill!photos/08092021/shopee-700x400-bitis-06-9.jpg)
[Shopee] You X Biti’s Hunter X Shopee - Săn Sale Or Săn Care
![[Lazada] Cập Nhật Thêm Flash Voucher Tháng 09/2021](https://timgiatot.vn/img/w381/h200/fill!photos/08092021/lazada-voucher-moi-ngay-9-9.jpg)
[Lazada] Cập Nhật Thêm Flash Voucher Tháng 09/2021

Tổng hợp deal hot Shopee 9.9
![[SHOPEE] 6.6 Sale giữa năm, Sale tưng bừng](https://timgiatot.vn/img/w381/h200/fill!photos/00-laptop/shopee-sale-giua-nam.jpg)
[SHOPEE] 6.6 Sale giữa năm, Sale tưng bừng
![[Tiki] Ủng Hộ Vải Bắc Giang: Chung Tay Chống Dịch Tay Chống Dịch](https://timgiatot.vn/img/w381/h200/fill!photos/tiki-ung-ho-vai-bac-giang.jpg)
[Tiki] Ủng Hộ Vải Bắc Giang: Chung Tay Chống Dịch Tay Chống Dịch


